Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị người khác cầm giữ trái phép

  • Xin chào công ty Luật Hòa Bình!
    Hiện tại em đang có một số vấn đề về việc bị mất giấy tờ nhà ở quận 3 TPHCM ( sổ đỏ):
    Em được ba mẹ bán lại cho 1 căn nhà và sau khi gần hoàn tất hồ sơ thì em có công việc phải ra nước ngoài công tác. Nên em có làm một tờ giấy ủy quyền cho một người em ruột để đi lấy sổ đỏ giúp em. Nhưng sau khi người em này lấy sổ đỏ về thì không đồng ý đưa lại sổ đỏ cho em suốt 1 năm nay rồi. 
    Em xin phép hỏi luật sư có cách nào làm lại sổ đỏ mới được hay không hoặc công ty luật sư có hướng giải quyết nào tốt hơn xin hãy tư vấn giúp em ạ!
    Em xin cám ơn văn phòng luật Hòa Bình! 

    Bổ sung:

    Mình mua căn nhà đó dưới hình thức trả góp và đã được ba mẹ mình sang tên cho mình hết rồi. Mỗi tháng chi trả cho ba mẹ mình sinh sống. Vì mình đang công tác bên nước ngoài nên không tiện đưa trực tiếp được cho ba mẹ nên phải chuyển tiền sang cho người em. Nhưng bây giờ mình có thể gửi trực tiếp cho ông bà hoặc thanh toán hết toàn bộ số tiền còn lại cho ông bà. Nhưng người em này đang giữ giấy tờ nhà của mình và nhất quyết không chịu đưa cho mình. Bắt mình phải chuyển tiền cho người đó đưa cho ông bà. Hiện tại mình không biết phải giải quyết như thế nào mới lấy lại được giấy tờ nhà. 
    Xin cám ơn!

    Trả lời:

    Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về việc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác như sau:

    "Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản 
     

    1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
     

    2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm".

    Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ, bìa đỏ, giấy đỏ, sổ hồng, bìa hồng...có được coi là tài sản hay không? Vậy tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành được quy định như thế nào hoặc nói cách khác, khái niệm về tài sản được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

    Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thi tài sản gồm:

    "Điều 105. Tài sản
     

    1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
     

    2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".

    Tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì Sổ đỏ - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là:

    "16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".

    Đối chiếu với quy định nêu trên thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sổ đỏ, bìa đỏ, bìa hồng, giấy đỏ không phải là tài sản hay giấy tờ trị giá bằng tiền do vậy không thể áp dụng quy định nêu trên của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý người chiếm giữ trái phép Sổ đỏ - giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản của người khác.

    Nghị định số 43 hướng dẫn Luật đất đai năm 2013 quy định thủ tục cấp lại sổ đỏ - cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

    Điều 77. Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất

    1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

    Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

    2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

    3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

    Vấn đề đặt ra ở đây là trong thời gian niêm yết công khai nếu có người biết rằng Sổ đỏ - giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bị mất mà do người khác cầm thì có được làm tiếp thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, người khai báo có được coi là khai báo gian dối và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự hay không, cụ thể:

    "Điều 307. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật 
     

    1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
     

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
     

    a) Có tổ chức;
     

    b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
     

    3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
     

    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

    Vì không được coi là tài sản nên việc cầm giữ trái phép sổ đỏ hiện nay diễn ra phổ biến mà người bị thiệt hại rất khó có thể bảo vệ cũng như yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ lợi ích của mình.

    Theo quan điểm của chúng tôi thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sổ đỏ, bìa đỏ, sổ hồng phải được coi là giấy tờ tài sản và nếu không phải chính chủ hoặc người được chính chủ ủy quyền thì không ai có thể thẩm cầm giữ trái phép. Nếu có hành vi cầm giữ trái phép Sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bìa đỏ, sổ hồng...mà người dân tố cáo... thì tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thụ lý đơn và xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự về chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

     

    VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÒA BÌNH
    Trụ sở chính: Số 09 Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội
    Điện thoại: 04 6292 4060 Hot-line: 0936 171 023 

    Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh: 68/240 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh

    Điện thoại: 04 6292 4060 Hot-line: 0936 171 023 
    Email: [email protected]

     

    Website: luathoabinh.com

     

     


     

  • ---------------------------------------------------------------

Share:


Thành viên

Xin Chào: Quý khách

Hỗ trợ trực tuyến

Đánh giá về chúng tôi

  • Đánh giá về chúng tôi
  • Ngân hàng Á Châu

    Khách hàng cần phân biệt sự khác nhau giữa dịch vụ xác minh và dịch vụ theo dõi giám sát . Xác minh là việc xác định tính sự thật của những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Còn theo dõi giám sát là việc xác định tính sự thật trong hiện tại đang tiếp diễn.

  • »Xem thêm

Tin tức