Phần 3- “Bầu” Kiên ra oai và “cú ngoạm” của siêu lừa Huyền Như
Trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2011, Ngân hàng ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao trong khi lĩnh vực cho vay lại gặp khó khăn, việc gửi tiền liên ngân hàng cũng không thực hiện được vì nhiều ngân hàng cũng trong tình trạng tương tự như Ngân hàng ACB nên không có nhu cầu nhận gửi liên ngân hàng.
Để giải quyết vấn đề huy động nhiều mà không cho vay được tránh gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng.
Không còn tham gia HĐQT Ngân hàng ACB từ đầu năm 2008, nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn còn ảnh hưởng mang tính chi phối tại đây. Ảnh: TL
Chủ trương này được nêu ra trong nhiều cuộc họp của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và được cụ thể hóa bằng Biên bản cuộc họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22-3-2010 do các ông Trần Xuân Giá – Chủ tịch, Lê Vũ Kỳ – Phó Chủ tịch, Lý Xuân Hải-Tổng GĐ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang là các thành viên cùng ký.
Thực hiện chủ trương của Nguyễn Đức Kiên và thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, từ tháng 5-2010 đến tháng 11-2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tổng cộng hơn 37.041 tỷ đồng với lãi suất từ 11,2%/năm đến 27%/năm và hơn 71 triệu USD với lãi suất 3,0%/năm đến 6,0%/năm vào 29 ngân hàng, đã thu được tổng số tiền lãi là hơn 1.586 tỷ đồng và hơn 1,2 triệu USD.
Theo quy định của pháp luật tiền huy động của nhân dân, ngân hàng phải sử dụng vào mục đích phát triển đất nước. Ảnh: TL
Thực tế, không chỉ từ năm 2010 mà từ nhiều năm trước đó, Ngân hàng ACB đã thực hiện các hoạt động ủy thác gửi tiền để lấy lãi suất với số lượng rất lớn.
Cơ quan chức năng đã xác định, toàn bộ hoạt động ủy thác gửi tiền tính chung trong khoảng thời gian từ 22-5-2005 đến tháng 9-2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên và 4 Cty gửi vào các tổ chức tín dụng trên 130.000 tỷ đồng, thu lãi hơn 6.278 tỷ đồng, riêng khoản lãi chênh lệch vượt trần ngân hàng này thu được đã là hơn 258 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, Ngân hàng ACB đã “gặp hạn” khi giao dịch với “nữ quái” Huỳnh Thị Huyền Như - nhân vật chính trong vụ lừa đảo, vỡ nợ được coi là lớn nhất từ trước tới nay với những khoản giật nợ lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định từ ngày 27-6 đến 27-9-2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi hơn 718 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7%/năm đến 13%/năm. Trò gửi tiền lòng vòng này bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP HCM bắt thóp và cuối cùng đã hốt trọn để chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng ACB.
Sau khi đã trót giao tiền vào tay Huỳnh Thị Huyền Như và biết được bộ mặt thật của “siêu lừa”, vào tháng 3-2012, Lý Xuân Hải mời thường trực HĐQT họp để báo cáo về vụ việc. Lý Xuân Hải cho biết, phía Vietinbank từ chối trách nhiệm bởi vấn đề chỉ liên quan đến cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như. Lý Xuân Hải đề nghị HĐQT ký lại biên bản họp ngày 7-6-2011 để làm cơ sở khởi kiện vụ việc, tuy nhiên lúc này sự việc đã quá muộn, tiền đã mất tăm theo “siêu lừa”, còn bộ sậu Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải càng lộ ra hành vi gửi tiền sai trái….
Việc Ngân hàng ACB bị chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng là thiệt hại riêng của ngân hàng này, song chủ trương ủy thác gửi tiền này là sai phạm rất nghiêm trọng, cụ thể vi phạm quy định cấm tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. Bởi, tiền huy động được từ nhân dân, ngân hàng phải sử dụng vào mục đích cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Việc ủy thác cho nhân viên và một số Cty khác đem lượng tiền lớn như vậy gửi lòng vòng vào các ngân hàng khác không chỉ đem lại lợi nhuận bất chính (gửi tiền vượt trần lãi suất, vi phạm Thông tư 02/2011 của NHNN) mà còn làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến việc ra chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ.
Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm nghiêm trọng này? Từ lời khai của các đối tượng liên quan và tài liệu chứng cứ khác, cơ quan CSĐT xác định, chủ trương ủy thác cho tổ chức, cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng là do Lý Xuân Hải – Tổng GĐ Ngân hàng ACB lúc đó đề xuất và Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo thường trực HĐQT ký Biên bản ngày 22-3-2010 thông qua chủ trương, giao cho Tổng GĐ kiểm soát hạn mức, chỉ đạo thực hiện và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng Ngân hàng ACB ký hợp đồng ủy thác cho nhân viên gửi tiền.
Cơ quan CSĐT xác định, hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải phạm vào tội “Cố ý làm trái…” theo quy định tại Điều 165 BLHS.
Theo những thông tin từ người trong cuộc thì quyền lực và sự áp đặt của Nguyễn Đức Kiên là nguyên nhân chính dẫn tới một số lãnh đạo Ngân hàng ACB buộc phải làm những việc biết rõ là sai trái, để “chiều chuộng” lấy lòng Kiên. Sau này, tại CQĐT, bị can Trần Xuân Giá khai rằng: Có lần thường trực HĐQT Ngân hàng ACB họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền mặt và USD của ngân hàng gửi vào các tổ chức tín dụng. Tại cuộc họp này, có một số ý kiến, trong đó ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân vì thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền từ dân, nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên đã không đồng ý phương án này: “Làm gì thì làm, nhưng không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”. Cuối cùng, Lý Xuân Hải đành “đón ý” Kiên mà đề xuất phương án ủy thác gửi tiền như nêu trên.
Nguyễn Đức Kiên, mặc dù từ năm 2008 không còn tham gia HĐQT của Ngân hàng ACB, nhưng tiếng nói của y vẫn rất có trọng lượng trong quyết sách của ngân hàng này.
“Áp lực” này từ đâu mà có và Nguyễn Đức Kiên dựa vào cái gì để bắt HĐQT Ngân hàng ACB làm theo ý mình? Chúng tôi sẽ lý giải phần nào trong bài viết tiếp theo.
(còn tiếp)
Hải Đăng - Lê Hoàng- ---------------------------------------------------------------