(PL&HX) - Để tiến hành “ma trận” sở hữu chéo, phải vay mượn để ném tiền vào quá nhiều lĩnh vực, Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn đã đem cả tài sản đang thế chấp tại ngân hàng ra để bán.
Sunday, 25 August 2013, 12:59:00 AM
“Nạn nhân” của trò lừa đảo có giá 264 tỷ đồng này là một Cty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát…
Ngày 5-11-2012, Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát (một Cty thành viên do Tập đoàn Hòa Phát nắm giữ 100% vốn) có đơn gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an với nội dung: Cty này đã ký hợp đồng với Cty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), mua lại 20 triệu cổ phần của Cty CP Thép Hòa Phát do ACBI đang nắm giữ, với giá 264 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã trích số tiền từ nguồn vốn tự có để chuyển cho ACBI. Việc thanh toán được thực hiện đầy đủ sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó, quyền sở hữu số cổ phần này không được chuyển giao. Tìm hiểu ra, phía Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát “té ngửa” rằng số lượng 20 triệu cổ phần nêu trên đang là tài sản đảm bảo, thế chấp tại Ngân hàng ACB và tại Cty TNHH Chứng khoán ACB để thế chấp cho khoản vay 800 tỷ đồng trái phiếu do ACBI phát hành.
Thấy vậy, “nạn nhân” lừa đảo đành phải làm đơn đề nghị Cơ quan CSĐT vào cuộc. Quá trình điều tra, xác minh được ACBI sở hữu tổng cộng 29,996 triệu cổ phần của Cty CP Thép Hòa Phát. Vào năm 2010, Nguyễn Đức Kiên với vai trò là Chủ tịch HĐQT đã chỉ đạo GĐ là Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng thế chấp số cổ phần này vào Ngân hàng ACB để bảo đảm cho khoản vay phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng và một số khoản vay khác. Số cổ phần này sau đó đã được Cty CP Chứng khoán ACB phong tỏa, nhưng phía ACBI vẫn đem 20 triệu cổ phần trong số cổ phần đó ra để chuyển nhượng cho Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát để lấy 264 tỷ đồng.
Thực tế, cơ quan chức năng xác định việc chuyển nhượng cổ phiếu đang thế chấp nói trên là do một tay Nguyễn Đức Kiên đạo diễn.
Một trong những thủ đoạn phạm tội của “bầu” Kiên là huy động, trộn vốn của các DN và tổ chức tín dụng để đầu tư lẫn nhau tạo nên sở hữu chéo để dễ bề thao túng. Ảnh: TL
Đầu tháng 4-2012, thông qua ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng GĐ Tập đoàn Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên biết được Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu của Tập đoàn tại các Cty thành viên, trong đó có Cty CP Thép Hòa Phát mà Cty ACBI của Kiên đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu này. Hai bên đã gặp gỡ và thống nhất phía ACBI sẽ chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát cho Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát (một Cty thành viên khác mà Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu 100% vốn) với giá 13.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng số tiền là 264 tỷ đồng.
Như trên đã nêu, số cổ phần này lại đang được ACBI thế chấp tại Ngân hàng ACB và Kiên biết phía Ngân hàng ACB và Cty CP chứng khoán ACB sẽ không chấp thuận cho giải tỏa 20 triệu cổ phần nếu không có tài sản bảo đảm thay thế. Ngày 15-5-2012, dù không tổ chức họp HĐQT Cty ACBI nhưng Nguyễn Đức Kiên lại chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến soạn thảo quyết định của HĐQT để Kiên ký và Biên bản họp HĐQT để Kiên cùng Yến, Thanh và ông Huỳnh Văn Sơn – thành viên HĐQT ký, thể hiện chủ trương thống nhất của các thành viên trong HĐQT đồng ý để chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát mà ACBI đang nắm giữ. Sau đó, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến chuyển Quyết định và Biên bản họp HĐQT cho phía Tập đoàn Hòa Phát và nhận bản dự thảo Hợp đồng từ Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Kiên đã kiểm tra nội dung và ký nháy vào Hợp đồng, rồi giao lại cho GĐ là Trần Ngọc Thanh tiến hành.
Ngày 21-5-2012, Trần Ngọc Thanh đại diện cho ACBI ký Hợp đồng số 01.05/HĐCN/CPTHP với Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát do ông Kiều Chí Công, GĐ đại diện và có mặt đại diện lãnh đạo Cty CP Thép Hòa Phát về việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần này. Bản hợp đồng này nêu rõ cam kết của phía ACBI là: “Đảm bảo số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn, các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng, chuyển giao cho Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát đầy đủ theo Hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào”.
Không có khả năng thực hiện việc chuyển giao và bị đòi cổ phần, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo nhân viên liên hệ với Ngân hàng ACB xin được giải chấp số cổ phần này, tuy nhiên do phía ACBI không có phương án tài sản đảm bảo bổ sung nên ngày 12-9-2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB đã thống nhất, ra thông báo không đồng ý giải chấp số cổ phiếu trên theo đề nghị của ACBI…
Cơ quan chức năng làm rõ, sau khi phía ACBI nhận được 264 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng này, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ và sử dụng riêng.
Cho đến khi Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố, bắt tạm giam về tội kinh doanh trái phép vào ngày 20-8-2012, Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát vẫn chưa nhận được 20 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát dù đã thanh toán toàn bộ tiền từ lâu và phía Ngân hàng ACB vẫn xác nhận đang quản lý 29,996 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát là tài sản thế chấp của Cty ACBI cho việc phát hành trái phiếu và các khoản vay tại Ngân hàng ACB.
Từ tháng 1-2008, Nguyễn Đức Kiên thôi chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và sau đó không còn nắm giữ chức vụ chính thức nào tại ngân hàng này, tuy nhiên, bắt đầu từ đó, Kiên đã thành lập nhiều Cty con như: Cty CP đầu tư B&B, Cty CP Tập đoàn tài chính Á châu (AFG), Cty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Cty CP đầu tư Á châu (ACI), Cty TNHH Đầu tư tài chính Á châu Hà Nội (ACI-HN), Cty CP phát triển sản xuất và XNK Thiên Nam để tiến hành các hoạt động kinh doanh tài chính trái phép, chủ yếu dựa hơi Ngân hàng ACB –nơi Kiên vẫn duy trì được ảnh hưởng nhất định. Guồng máy quay tiền dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên thực hiện theo phương thức vay chỗ nọ, thế chấp vào chỗ kia, tiến hành hàng loạt hoạt động đầu tư có tính chất sở hữu chéo đối với một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, với mục đích tạo ra một hệ thống các doanh nghiệp và định chế tài chính nằm dưới sự chi phối, vận hành theo ý muốn của Kiên và đồng bọn, gây tác hại không nhỏ đến sự lành mạnh của thị trường tài chính.
Khách hàng cần phân biệt sự khác nhau giữa dịch vụ xác minh và dịch vụ theo dõi giám sát . Xác minh là việc xác định tính sự thật của những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Còn theo dõi giám sát là việc xác định tính sự thật trong hiện tại đang tiếp diễn.