Phần 4 - Bầu” Kiên và cung đường ma quái của dòng tiền khủng

  •  Không chỉ đề ra chủ trương và thực hiện việc ủy thác gửi tiền vào 29 ngân hàng theo phương thức lòng vòng, sai trái, ông Nguyễn Đức Kiên còn cùng ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải chỉ đạo Cty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) dùng tiền của Ngân hàng ACB đầu tư cổ phiếu của chính Ngân hàng ACB, gây thiệt hại cho Ngân hàng này hơn 688 tỷ đồng.

    Cố ý làm trái để… lỗ trăm tỷ

    Việc làm sai trái này xuất phát từ mục đích ban đầu là để nâng giá trị cổ phiếu của Ngân hàng ACB lên, để thỏa mãn các cổ đông, trong đó ông Nguyễn Đức Kiên và một số “thân hữu” chính là những cổ đông lớn.

    Ngày 2-11-2009, ông Nguyễn Đức Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp ra chủ trương cấp tiền cho ACBS là Cty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ, để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. HĐQT ra  văn bản giao cho ông Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo ACBS thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB.

    Biết pháp luật không cho phép Ngân hàng ACB cấp tín dụng cho ACBS (vì  đây là Cty do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn) nên Ngân hàng ACB lách bằng cách chuyển tiền cho các Ngân hàng Kiên Long, vay qua liên ngân hàng để ngân hàng này chuyển cho ACBS dưới hình thức mua trái phiếu do ACBS phát hành.

    Theo quy định, ACBS không được mua cổ phiếu Ngân hàng ACB nên một số lãnh đạo Ngân hàng này dùng thủ đoạn thông qua các Cty ACI và Cty ACI-HN là các Cty tư nhân do Kiên làm Chủ tịch HĐQT, để đứng tên mua cổ phiếu Ngân hàng ACB dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.

    Với các thủ đoạn đó, ông Nguyễn Đức Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB chỉ đạo ngân hàng ACB cấp cho ACBS 1.500 tỷ đồng, cùng với vốn tự có, ACBS đã chuyển cho các Cty ACI và ACI-HN tổng số tiền là hơn 1.557 tỷ đồng để đứng tên mua hộ 52.508.538 cổ phiếu ACB… Việc này đã đem lại thiệt hại rất lớn cho Ngân hàng ACB. Tính đến khi sai phạm được vạch trần, cơ quan chức năng vào cuộc thì số tiền Ngân hàng ACB thu về mới được khoảng hơn 364 tỷ đồng tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về được.

    Động thái mua gom lượng lớn cổ phiếu nói trên đã kích thích thị trường, làm tăng thị giá của cổ phiếu Ngân hàng ACB trong một khoảng thời gian và đem lại lợi nhuận kếch sù cho những người bán tháo cổ phiếu trong thời điểm đó, còn số cổ phiếu được ACBS mua gom từ nguồn tài chính lòng vòng này lại sụt giảm mạnh về trị giá, lỗ hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, việc Ngân hàng ACB chuyển 1.500 tỷ đồng lòng vòng qua các ngân hàng Kiên Long và Vietbank để các ngân hàng này mua trái phiếu do các Cty: ACBS, ACI và ACI-HN phát hành rồi mua lại chính cổ phiếu ACB cũng gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 74 tỷ đồng, là khoản chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu 3 Cty: ACBS, ACI và ACI-HN phải trả cho Vietbank, Kienlongbank với lãi suất tiền gửi liên ngân hàng mà Ngân hàng ACB đã thu được từ các ngân hàng Kienlongbank và Vietbank. Như vậy, tổng thiệt hại cho Ngân hàng ACB là hơn 688 tỷ đồng.

    Không những thế, hành vi của các đối tượng được xác định là “Cố ý làm trái…” vì đã vi phạm nghiêm trọng Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng: “Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát” và Điều 29 Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ: “Cty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của cty sở  hữu trên 50% vốn điều lệ của cty chứng khoán”.

    Các bị can Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang đều thừa nhận rằng chủ trương cấp tín dụng cho ACBS đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB là do ông Nguyễn Đức Kiên đề xuất, chỉ đạo thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đồng ý thông qua thành nghị quyết và giao cho ông Kiên trực tiếp chỉ đạo ACBS đầu tư, nhằm mục đích nâng giá trị của cổ phiếu này lên trước sức ép của các cổ đông. Biết là sai nghiêm trọng, nhưng các bị can này vẫn tham gia thực hiện cùng ông Kiên.

    Cty TNHH chứng khoán ACB từng bị Kiên dùng sức ép bắt làm trái pháp luật.


    Sự ma quái của “bầu” Kiên

    Như vậy, lại thêm một loạt những sai phạm nghiêm trọng, đem lại hậu quả về uy tín, về tài chính nghiêm trọng từ quyền uy và những toan tính cá nhân của ông Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

    Ông Nguyễn Đức Kiên dù đã rời ghế Phó Chủ tịch HĐQT từ đầu năm 2008, nhưng việc này thực chất chỉ nhằm giúp ông ta rảnh tay xây dựng mạng lưới thực hiện kế hoạch tài chính trái pháp luật và mờ ám. Thực tế, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn giữ nguyên vai trò chi phối hoạt động của cả HĐQT, thậm chí có “quyền sinh, quyền sát” với bất cứ thành viên nào trong HĐQT, nếu trái ý.

    Nhiều biên bản họp HĐQT, rồi những Thông báo, Kết luận của thường trực HĐQT và cả các sổ sách lưu giữ, ghi chép nội dung các cuộc họp thường trực HĐQT từ đầu năm 2008 đến khi ông Kiên bị bắt, đều thể hiện ông Nguyễn Đức Kiên vẫn xuất hiện và có tên trong thành phần dự họp, biên bản họp cũng có ghi ý kiến chỉ đạo của ông Kiên về nhiều hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB, như: Chủ trương mua cổ phiếu của Ngân hàng Kiên Long, Vietbank, Đại Á, chủ trương kinh doanh vàng, chủ trương cấp tín dụng cho Cty TNHH Chứng khoán ACB để đầu tư cổ phiếu của các ngân hàng,… Trong đó có chủ trương ủy thác cho các đơn vị, nhân viên gửi tiền VND, USD  vào các tổ chức tín dụng.

    Một minh chứng khác cho sự “hiện diện đầy ý nghĩa” của “bầu” Kiên tại Ngân hàng ACB, là các thông báo, kết luận của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB phần nơi gửi đều ghi gửi cho ông Nguyễn Đức Kiên để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về nhiều hoạt động của ngân hàng này. Và như trong bài trước báo PL&XH đã nêu, việc dùng tiền huy động của dân để ủy thác cho nhân viên và Cty gửi tiền VND, USD vào các tổ chức tín dụng là chủ trương của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB được Ngân hàng ACB thực hiện từ năm 2005 và được cụ thể bằng Biên bản họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22-3-2010. Thực hiện chủ trương nêu trên, từ ngày 22-5-2005 đến tháng 9-2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên ngân hàng và 4 Cty gửi vào các tổ chức tín dụng tổng số hơn 130 nghìn tỷ đồng với lãi suất từ 8,5%/năm đến 27%/năm và hơn 80 triệu USD với lãi suất từ 3%/năm đến 6%/năm vào 29 ngân hàng, và đã thu được tổng số tiền lãi là hơn 6.278 tỷ đồng, riêng lãi chênh lệch vượt trần lãi suất thu được là hơn 258 tỷ đồng. Đến nay, “vố” đau nhất của Ngân hàng ACB là việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào ngân hàng và bị Huỳnh  Thị Huyền Như “nắm thóp” lừa, chiếm đoạt 718 tỷ đồng.

    Theo lời kể của một số thành viên HĐQT Ngân hàng ACB thì hầu như không thành viên HĐQT nào dám trái ý ông Nguyễn Đức Kiên. Để tạo áp lực đối với các thành viên HĐQT và thành viên thường trực HĐQT, trong các cuộc họp, ông Kiên thường nói: “Hiện tôi không tham gia gì trong HĐQT, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”, hoặc: “Tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi nhưng với tư cách cổ đông lớn tôi có quyền triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để cách chức các anh ra khỏi thành viên HĐQT”.

    Theo ông Trần Xuân Giá thì do ông Nguyễn Đức Kiên là cổ đông lớn và là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của Ngân hàng ACB trong thời gian dài trước đó, nên phát biểu của ông Kiên đã tạo áp lực và quyền lực làm cho nhiều người ngầm hiểu là không thực hiện theo ý ông Kiên là không được.    


    (còn tiếp)
    Hải Đăng - Lê Hoàng
     
    Xem thêm: 
     
     

     

  • ---------------------------------------------------------------

Share:


Thành viên

Xin Chào: Quý khách

Hỗ trợ trực tuyến

Đánh giá về chúng tôi

  • Đánh giá về chúng tôi
  • Ngân hàng Á Châu

    Khách hàng cần phân biệt sự khác nhau giữa dịch vụ xác minh và dịch vụ theo dõi giám sát . Xác minh là việc xác định tính sự thật của những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Còn theo dõi giám sát là việc xác định tính sự thật trong hiện tại đang tiếp diễn.

  • »Xem thêm

Tin tức